Lượt xem: 2036

Sóc Trăng chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu dừa tươi

Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 8.500 ha trồng dừa, mặc dù diện tích không lớn, nhưng cây dừa là nguồn thu chính của nhiều nông dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ trái dừa trước nay chủ yếu thông qua thương lái và bó hẹp tại thị trường trong khu vực nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Ngay khi có thông tin dừa tươi sẽ là nông sản tiếp theo của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương thiết lập lại toàn bộ chuỗi sản xuất, nhằm cạnh tranh cơ hội xuất khẩu với nhiều tỉnh, thành lân cận.

 


Sóc Trăng hình thành vùng trồng dừa tập trung áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.

 

    Cũng như nhiều loại nông sản khác, mã số vùng trồng là vấn đề tiên quyết để trái dừa  đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu. Để có được “tấm vé thông hành” này; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chủ động mời gọi phía công ty xuất khẩu, phối hợp cùng huyện Cù Lao Dung để hình thành vùng trồng dừa tập trung với diện tích 33,2 ha tại ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung. Từ kiểu sản xuất theo hướng “tự sản, tự tiêu”; giờ đây, nông dân trồng dừa trong vùng đã có sự nhất quán trong sản xuất, ưu tiên canh tác theo quy trình hữu cơ. Mọi hoạt động trong suốt quá trình sản xuất đều được nhà vườn ghi chép đầy đủ và hệ thống lại bằng sơ đồ riêng cho từng khu vườn để thuận tiện trong kiểm soát, quản lý.

    Ông Lê Thành Phương, nông dân vùng trồng dừa ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung cho biết: “Những việc này mặc dù đơn giản, nhưng bà con cần phải làm thành thói quen. Bởi vì từ trước đến giờ chỉ làm chứ không có ghi chép lại vào sổ sách; nhưng bây giờ thì ghi lại hết từng hoạt động để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu, kể cả nguồn gốc phân bón hay giống dừa đã sử dụng,… Ngoài ra, về phía nông dân cũng đang được tham dự những lớp tập huấn hướng dẫn quy trình trồng như thế nào để được xuất khẩu”.

    Riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát ở xã An Thạnh Nhì, ngoài 37 ha dừa hiện có, hợp tác xã còn chủ động liên kết thêm với vùng trồng tại ấp Phạm Thành Hưng B (35,5 ha) và vùng trồng tại ấp Bình Du A (45 ha) để hình thành vùng trồng đủ lớn, tăng thêm cơ hội được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, khi diện tích canh tác lớn, khả năng lây lan sẽ cao hơn một khi phát sinh sâu bệnh. Vì vậy, để đảm bảo tốt tiêu chuẩn về chất lượng trái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ kiểu chỉ “dập dịch” khi có sâu hại tấn công, thì việc phòng bệnh trên cây dừa giờ đã trở thành “thói quen” của nhiều nông dân. Sử dụng thuốc sinh học là giải pháp ưu tiên hàng đầu đối với nhiều thành viên hợp tác xã trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại dừa.

    Giám đốc Nhan Chí Hiệp - Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Thịnh Phát cho biết thêm: “Tôi phải sử dụng các giải pháp sinh học nhiều hơn, thường xuyên hơn để phòng trừ dịch bệnh từ những giai đoạn rất sớm, tránh bị động đối với sâu hại cũng như bùng phát dịch ở diện tích lớn. Cụ thể là tôi thả ong ký sinh hay bọ đuôi kìm để phòng bọ cánh cứng hay sâu đầu đen, sử dụng giải pháp IPM để giảm sâu hại”.

    Diện tích trồng dừa của tỉnh Sóc Trăng phân bố chủ yếu tại các huyện: Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách và Trần Đề. Theo kế hoạch bước đầu, tỉnh dự kiến sẽ thiết lập từ 4 đến 10 mã số vùng trồng, với diện tích từ 200 đến 350 ha. Mặc dù con số này là khá khiêm tốn so với quy mô vùng trồng hiện có, nhưng một khi xuất khẩu thành công lô hàng dừa tươi đầu tiên sang Mỹ hoặc Trung Quốc, sẽ là bước đệm thuận lợi để Sóc Trăng hình thành được thêm nhiều mã số vùng trồng. Bởi một khi nông sản “xuất ngoại”, giá trị kinh tế sẽ tăng cao, ý thức canh tác của nhà vườn cũng từ đó có những chuyển biến tích cực hơn để cạnh tranh cơ hội xuất khẩu.

    Đồng chí Nguyễn Thành Phước -  Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Ngay từ bây giờ chúng ta phải cải tạo để hình thành những vườn dừa tập trung hơn; từ việc hình thành những vùng dừa tập trung, chúng ta sẽ có bước sửa sang, cải thiện lại chất lượng giống được tốt hơn. Chúng ta nên sử dụng thuốc sinh học để vừa cân bằng sinh thái trên các vùng trồng, vừa ngăn ngừa được sự bộc phát của các sinh vật gây hại. Vấn đề quan trọng là bà con phải sản xuất theo tính liên kết, quan tâm thành lập các hợp tác xã để hình thành một chuỗi ngành hàng, có như vậy chúng ta mới có thể liên kết tiêu thụ dừa bền vững, có giá trị kinh tế cao”.

    Cùng với việc hình thành vùng trồng dừa tập trung theo hướng sản xuất hữu cơ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang liên kết cùng một số công ty, doanh nghiệp để xây dựng cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tỉnh Sóc Trăng đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết đưa nông sản địa phương “vượt ao làng”, tạo bước tiến dài hơi cho ngành sản xuất dừa tại tỉnh, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 8303
  • Trong tuần: 79,010
  • Tất cả: 11,802,330